Tối hôm qua, admin Q.B.N của diễn đàn OFFB – một diễn đàn về ô tô, giao thông có hơn 800 ngàn thành viên có bài viết phê phán bệnh nhân 1883, hay còn gọi là “bệnh nhân công chứng” khi người này có một lịch trình dịch chuyển tương đối phức tạp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bài đăng của admin Q.B.N, ngoài lịch trình di chuyển chi tiết được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì có hai điều cần chú ý. Một là từ “toang” được viết tránh thành “twang”, hai là câu cảm chốt có hàm ý buộc tội và chỉ trích bệnh nhân 1883 là: “Tổng cộng bao nhiêu người vì anh mà mất Tết”. Trước đó, admin này từng có bài viết “cà khịa” biện pháp chống dịch của Hà Nội, lan truyền những thông tin sai lệch từ cánh báo chí về lời phát biểu của bác Đam và bác Mai Tiến Dũng.
Từ bài đăng ấy, nhiều người lao vào miệt thị bệnh nhân 1883 bằng những ngôn từ thô thiển, một số người khác thì công khai những thông tin như là họ tên, gia đình, bố mẹ, con cái, số điện thoại riêng và số điện thoại cơ quan… lên phần bình luận và kêu gọi những người khác “khủng bố” cá nhân người bệnh này qua tin nhắn và cuộc gọi. Điều đáng nói ở đây là admin lại có vẻ như làm ngơ trước những hành động sai trái này.
Điều quan trọng nhất bây giờ là lan truyền những thông tin có ích, giúp cho các thành viên phòng chống dịch bệnh, chứ không phải là lợi dụng danh nghĩa quản trị viên, thêm thắt những ngôn từ hàm ý buộc tội, để vào miệt thị người bệnh. Người ta sai gì thì đã đành, nhưng người ta đâu có sai?
Toang, là một từ thể hiện sự đổ vỡ, hủy bỏ một kế hoạch, một việc gì đó mà khó có thể khắc phục được. Từ này thường mang ý nghĩa tiêu cực và bất lực.
Dạo gần đây, nhiều người bắt đầu xài lại từ “toang” để nói về tình hình dịch bệnh tại nước ta vào thời điểm hiện tại. Và người ta mượn cái từ “toang” ấy, để cho rằng công tác chống dịch “đang có vấn đề”, hoặc phũ hơn là có vẻ như đang thất bại khi số ca nhiễm cao hơn và tình hình dịch bệnh đang lan ra nhiều khu vực. Hoặc là để phê phán công tác chống dịch, hoặc chỉ trích chính người bệnh.
Có một thực trạng đáng báo động trong đợt bùng phát lần này, đó là việc có tới 20% số các ca F0, F1 không tự giác khai báo y tế. Nói về nguyên nhân của thực trạng này, ngoài vấn đề về ý thức, về những khó khăn khi tiếp cận với đội ngũ y tế, mong muốn đón Tết cùng với gia đình hay sự chủ quan của người dân, mà còn đến từ việc kỳ thị và định kiến với những người nghi nhiễm và nhiễm bệnh.
Trước đó, người ta lan truyền thông tin một bệnh nhân ở Quảng Ninh đi “tay vịn”, khiến người này rơi vào hoàn cảnh bối rối khi không biết ăn nói thế nào với gia đình, bạn bè… Rồi người dân thì lan truyền ra hàng tá những câu chuyện linh tinh khác, như ngoại tình, rồi cặp bồ… Đến bệnh nhân 1883, câu chuyện người này đi massage được tung lên mạng, công chúng lại thêu dệt là anh này đi đến X hay đến Z. Rồi từ một chuỗi massage lành mạnh lại thành một chuỗi masage “này nọ”. Đừng phá chén cơm của người khác như vậy chứ!
Quay lại câu chuyện bệnh nhân 1883 bị một tập thể đông đúc chỉ trích, người ta không hề nhắc đến chuyện bệnh nhân này rất hợp tác khai báo lịch trình hay đeo khẩu trang khi di chuyển nơi công cộng. Việc bệnh nhân 1883 di chuyển nhiều khu vực tại Hà Nội cũng một phần là do nhiệm vụ của anh yêu cầu như vậy. Anh cũng không hề vi phạm bất cứ yêu cầu nào từ cơ quan chức năng. Vậy mà, họ nói anh ấy như là một gã tội phạm và xâm phạm quyền cá nhân của anh ấy và người thân.
Đồng ý rằng, người ta có thể chỉ trích những con người coi thường tính mạng của bản thân và người khác, như những trường hợp trốn khỏi khu cách ly, bất hợp với chính quyền, đưa người vượt biên trái phép, khai báo gian dối… Nhưng, chỉ trích cũng phải đúng đối tượng, đúng người, chứ không phải chỉ để làm thỏa mãn thói quen phán xét của bản thân, rằng ta đây là một con người tràn đầy đạo đức.
Dịch bệnh không phân biệt, bất cứ ai cũng có thể là đối tượng nhiễm bệnh, nhưng có vẻ như chúng ta đang tự phân biệt lẫn nhau. Tại Việt Nam, mỗi bệnh nhân đều được báo chí giấu tên và chỉ công khai lịch trình di chuyển để người dân biết, khai báo và phòng tránh. Việc đó vừa bảo vệ tự do cá nhân, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Nhưng có vẻ như, nạn tung tin giả nhằm mục đích vụ lợi và người dân lại quá dễ dàng tin vào những tin tức ấy, khiến cho công tác phòng chống dịch bệnh vừa gặp khó, người dân lại nghi kỵ lẫn nhau.
Chính phủ và Bộ Y tế khẳng định nạn kỳ thị vô lý sẽ khiến ít người dân tìm đến các cơ sở y tế hơn, ít tuân thủ các biện pháp chống dịch hơn. Những điều này gây ra một hệ quả là bỏ sót người mắc bệnh, gia tăng số người mắc bệnh, trực tiếp khiến cho tình hình dịch bệnh phức tạp hơn.
Cả xã hội đã từng “đau đầu” và bức xúc vì trường hợp bệnh nhân 17 và 178, nhưng trường hợp bệnh nhân 1883 lại không hề đáng bị như vậy. Không biết bệnh nhân 1883 đã nhận được bao nhiêu tin nhắn phá rối từ nhóm ô tô ấy, nhưng chắc rằng, ngoài dịch bệnh, bệnh nhân 1883 nói chung và nhiều người khác nữa, có lẽ sẽ phải đối diện với một nỗi sợ, không phải là dịch bệnh, mà là nạn tin giả, sự phân biệt và kỳ thị.