– “Theo bác thì những nguyên nhân nào dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm?” Tôi đề nghị ông đưa ra nhận định.
– “Chà, để điểm lại một số yếu tố… Vấn đề trước nhất là ‘GIA ĐÌNH TRỊ’. Nói đến chế độ Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu thì không thể không nhắc đến Trần Lệ Xuân. Bà Xuân là vợ ông Nhu nhưng vì ông Diệm không có vợ nên bả được xem như Đệ nhất phu nhân, sự kiện quan trọng nào cũng góp mặt.
“Cha Trần Lệ Xuân là luật sư Trần Văn Chương nổi tiếng Hà Nội, cả nhà nói tiếng Pháp không à. Mẹ bả thuộc bên ‘thân trọng’, tức là họ hàng của phò mã. Bả thua ông Nhu 14 tuổi, hồi đó là nhiều lắm, bả được nuông chiều từ bé đến lớn. Từ chuyện đối xử với ông Nhu, ông Diệm hay sau này bả làm Dân biểu Quốc hội nữa thì ngang ngược lắm, và trở thành vấn nạn cho chế độ. Bả cho rằng bả có quyền làm tất cả những gì mình muốn làm, ông Nhu ông Diệm nói gì bả cũng sẵn sàng bỏ ngoài tai. Người Mỹ có khái niệm rất hay: ‘unguided missile’. Bả như cái hỏa tiễn không điều khiển, không biết rơi ở đâu vậy, tác hại kinh khủng. Ngô Đình Luyện kể là hồi ông Nhu đưa bà Xuân về nhà thì bà mẹ đã không thích rồi, đứng dậy bỏ đi luôn. Bà Nhu có ảnh hưởng xấu đến chế độ của ông Diệm. Cả miền Nam hồi đấy trọng ông Diệm thế nào thì ghét bà Nhu như vậy. Bả lập ra Phong trào Phụ nữ Liên đới mà người ta chả hiểu ‘liên đới’ cái gì nên toàn gọi là ‘Phụ nữ lên đái’ thôi. Đa phần mọi người đều ác cảm với bả. Sự tham chính của bả là một phần của vấn đề ‘gia đình trị’ trong chính quyền Ngô Đình Diệm.”
– “Có phải việc thiên vị Thiên Chúa giáo thái quá dẫn đến đàn áp Phật giáo không bác?”
Trước câu hỏi này, Bùi Kiến Thành ngừng lại giây lát rồi mới trả lời: “Có thể nói là như vậy, nhưng chính phủ Ngô Đình Diệm không chủ trương đàn áp Phật giáo. Ở đây còn những cái không hiểu nhau… Dân chúng Việt Nam chủ yếu theo Phật giáo và thờ ông bà tổ tiên. Đa phần các bộ trưởng trong nội các cũng không phải người Thiên Chúa giáo nên không có lí do để đàn áp Phật giáo. Hồi đó, chính phủ có đưa ra quy định không treo cờ tôn giáo ngoài các cơ sở tôn giáo, nơi thờ tự như đền, chùa, nhà thờ… Quy định này là áp dụng cho mọi tôn giáo chứ không riêng gì Phật giáo, nhưng chưa được thực thi triệt để. Trước lễ Phật đản, người Thiên Chúa giáo treo cờ tràn lan trong dịp lễ Đức mẹ Lavang khiến nhiều người ý kiến với Tổng thống, đề nghị thực hiện việc này chặt chẽ hơn. Chỉ thị của Chính phủ thắt chặt việc treo cờ tôn giáo được đưa ra ngay trước Phật đản, trong khi Phật tử lại treo cờ khắp nơi để thể hiện đối chọi với Thiên Chúa giáo. Chính phủ gỡ hết cờ lọng thì họ cảm thấy bị đàn áp nên đấu tranh dữ dội. Đỉnh điểm là vụ Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giữa ngã tư Sài Gòn đông đúc ngày 11/6/1963 để phản đối chính quyền gây chấn động dư luận quốc tế.
Theo quan điểm của bác, quân đội dưới trướng ông Diệm là một đạo quân ô hợp. Một phần đội ngũ kế thừa tổ chức do Pháp để lại, mấy anh ngày trước theo Tây như Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân… không dễ phục tùng những người có uy tín thời kì Nam triều và cũng không ưa những người gốc ‘Bắc’ như ông Diệm. Ngoài Bắc, một quân nhân muốn thăng tiến buộc phải phát triển sự nghiệp đảng viên Đảng Cộng sản từ Đoàn viên Đoàn Thanh niên đi lên. Còn trong Nam, lên đến tướng tá mà anh thì đảng viên Đảng Cần lao, anh thì đảng viên Đại Việt Quốc dân Đảng, anh thì không. Rồi thì người Thiên Chúa giáo, người không nên cũng chia rẽ. Ông Nhu không tạo được nền móng cho một đội quân có tinh thần sống chết vì chế độ. Chuyện trả lương Mĩ lại nắm trong tay nên quá dễ xúi bẩy. Bất đồng chính kiến ở chỗ quân đội muốn Mĩ vào đem theo vũ khí, trang bị để đánh Việt Minh tới cùng…”
– “Nhưng trước đó họ đã ủng hộ Ngô Đình Diệm dẹp Bình Xuyên, phế truất Bảo Đại và thành lập chính thể mới Việt Nam Cộng hòa ạ?”
“Chế độ nào người ta cũng phục vụ được. Trước đó thì phục vụ chế độ của ông Bảo Đại với bao nhiêu ông thủ tướng khác. Khi ông Diệm lên thì vì tình thế họ phải phục vụ thôi, không tâm huyết. Chuyện đề bạt, thăng chức chẳng biết có ảnh hưởng bởi quan hệ hay do công trạng mà có người nhảy chức rất nhanh, có người đì đẹt mãi, thế nên xảy ra bất mãn. Sau khi dẹp Bình Xuyên, có lần Huỳnh Văn Cao đem để lên bàn ông Diệm danh sách tên và
cấp bậc quân lực Quốc gia Việt Nam. Hồi đó anh Cao mới là đại úy, mà đã quản việc chấm công và đề bạt cho các sĩ quan cấp tá. Tướng hồi đó to lắm, chỉ có Nguyễn Văn Hinh là trung tướng, Lê Văn Tỵ với Nguyễn Văn Vỹ là thiếu tướng, còn lại toàn cấp tá, Dương Văn Minh cũng chỉ đang là đại tá. Cả miền Nam có bốn quân khu thôi: Quân khu 1 ở Quảng Trị, Quân khu 2 ở Tây Nguyên, Quân khu 3 ở Sài Gòn, Quân khu 4 ở lục tỉnh. Anh Cao từ đại úy một lèo lên cấp tá rồi lên thiếu tướng, làm Tư lệnh Quân khu 4. Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn cũng không tiến nhanh như vậy. Trong khi có người như đại tá Mai Hữu Xuân có xuất phát điểm cao hơn và có công không nhỏ bảo vệ Đài tiếng nói Quốc dân Đoàn kết, lại bị gạt tên khỏi danh sách đề bạt, sau cũng được lên thiếu tướng nhưng trễ hơn. Bác Thành không thuộc lí lịch các tướng lĩnh quân đội nên không dám khẳng định, nhưng có thể nó ảnh hưởng tới tinh thần của Mai Hữu Xuân đối với Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa. Sau này đảo chính, người ta vẫn còn tranh cãi ai là người ra lệnh cho đại úy Nguyễn Văn Nhung giết anh em ông Diệm ông Nhu, Mai Hữu Xuân hay Dương Văn Minh…”
“Hai tổ chức tập hợp lực lượng hậu thuẫn cho ông Diệm từ khi mới về Sài Gòn nhậm chức năm 1954 là phong trào Cách mạng Quốc gia và Cần lao Nhân vị Cách mạng Đảng. Phong trào Cách mạng Quốc gia ban đầu do bác sĩ Tín phụ trách. Phong trào hoạt động mở, tự do mặc dù nhiều rủi ro vì dễ bị người của Bình Xuyên hay quân đội thủ tiêu. Rất nhiều nhân sĩ ở Bắc, Trung, Nam theo bác sĩ Tín. Họ hăng hái lắm. Họ công khai biểu tình ủng hộ Diệm. Một thời gian sau, bác sĩ Tín rút lui, giao lại cho luật sư Trần Chánh Thành, khi xưa là Giám đốc Tư pháp rồi Giám đốc Kinh tế Liên khu 3 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh là người Thiên Chúa giáo và từng là Việt Minh, sau chống Cộng khủng khiếp lắm. Sau khi thủ tướng Diệm giải quyết Bình Xuyên năm 1955, ảnh làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và tổ chức phong trào Cách mạng Quốc gia thành phong trào chống Cộng.”
Trích Hồi ký Bùi Kiến Thành, người mở khóa lãng du